Bài gốc tại this link
Lộ trình phát triển sự nghiệp Software Development trong lĩnh vực IoT & Big Data
Software development (SD) trong thời đại Data-driven như hiện nay có nhiều khác biệt so với software development truyền thống. Nhân lực ngành IT tuy có nhiều cơ hội phát triển hơn, nhưng cũng không tránh khỏi việc mất phương hướng vì độ đa dạng của ngành ngày càng tăng. Anh Trần Quang Minh Tân – Vice Director of Aviation Unit, Software Development Head tại FPT Software (FSoft) với hơn 13 năm kinh nghiệm trong ngành sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các bạn về lộ trình phát triển sự nghiệp, cũng như các kinh nghiệm quý giá trong việc quản lý dự án phát triển phần mềm trong lĩnh vực IoT và Big Data.
Chào anh Tân. Đầu tiên, anh có thể chia sẻ đôi nét về con đường sự nghiệp của bản thân và anh đã bén duyên với nghề như thế nào?
Tôi có “duyên” với IT từ quyết định chọn thi và theo học chuyên ngành Công nghệ Thông tin trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên TP.HCM năm 2002, cũng vì đam mê về công nghệ và yêu thích các môn học khối tự nhiên thời điểm đó. Tôi bắt đầu công việc sau khi tốt nghiệp đại học với vị trí thuần về kỹ thuật, Software Developer, Senior Developer và sau đó Technical Lead. Sau khoảng 05 năm làm việc chủ yếu về kỹ thuật, tôi có theo học khóa master về Business Information Systems cùng nhiều khóa học soft skills khác, nhằm bổ sung kiến thức và trải nghiệm về các kỹ năng mềm, hiểu rõ hơn về những chức năng chính vận hành một tổ chức kinh doanh và vai trò của CNTT trong bức tranh chung của doanh nghiệp. Mong muốn của tôi luôn là tìm cách ứng dụng CNTT vào trong doanh nghiệp và mang lại giá trị để giúp ích cho các doanh nghiệp đó. Hiện tại công việc chính của tôi ở FSoft là làm việc cùng với các đồng nghiệp và các bộ phận chức năng của công ty, cung cấp các dịch vụ phần mềm nhằm giải quyết và tạo thêm các giá trị cho khách hàng thông qua các giải pháp và dịch vụ công nghệ. Tôi cũng chịu trách nhiệm vận hành một đơn vị kinh doanh của FSoft HCM, quản trị và xây dựng đội nhóm, hướng đến một tổ chức chuyên nghiệp và các thành viên có đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho công việc hiện tại và tương lai.
Có phải SD trong thời đại số hóa mạnh mẽ như hiện nay có rất nhiều đổi mới so với thời kỳ trước?
Chắc sẽ không ai phản đối nếu nói rằng công nghệ thay đổi từng ngày từng phút, không phải trong giai đoạn hiện tại nhưng cũng đã từ rất lâu rồi. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị công nghệ, các ứng dụng phần mềm hiện nay rất đa dạng và liên tục được cải tiến để đáp ứng nhu cầu sử dụng của tất cả mọi người, cả giới đam mê và hiểu biết về công nghệ lẫn những người sử dụng bình thường.
Nếu như tiêu chí đánh giá phần mềm trước kia, quan tâm nhiều hơn về việc đảm bảo đầy đủ các chức năng, tính chính xác, sự ổn định và khả năng thay thế các quy trình nghiệp vụ giấy tờ tay chân, thì hiện nay các phần mềm lại chú trọng hơn đến sự tiện dụng, ngữ cảnh và khả năng linh hoạt đáp ứng những thay đổi hành vi của người sử dụng. Nếu như lúc trước, Microsoft mỗi 2 năm mới cho ra đời 1 phiên bản mới của hệ điều hành, thì bây giờ họ cũng liên tục đưa ra các phiên bản cập nhật theo tuần, theo tháng kèm theo rất nhiều các bản vá ad-hoc. Facebook, Google, Apple và rất nhiều công ty công nghệ cũng đưa ra các sản phẩm của họ theo cách thức như vậy.
Đứng ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ và phát triển sản phẩm phần mềm, thì chúng tôi cũng luôn luôn phải áp dụng những quy trình phát triển phần mềm phù hợp nhất để đáp ứng được nhu cầu rất đa dạng của khách hàng và người sử dụng trong thời điểm hiện nay.
Đã từng làm việc qua nhiều dự án SD tại nhiều công ty lớn, vậy anh thường nhìn nhận và tiếp cận những dự án khác nhau như thế nào? Có phải mọi dự án đều có “mẫu” chung hay mỗi dự án lại tiếp cận và giải quyết bằng cách hoàn toàn khác nhau?
Theo góc nhìn từ hướng quản trị dự án thì tất cả các dự án phần mềm đều có những yêu cầu giống nhau. Đội ngũ management sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý yêu cầu của khách hàng, quản lý tài nguyên dự án (kinh phí, nhân lực, tài sản), quản lý thời gian thực hiện dự án hướng đến deliver các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng, đảm bảo sự thành công của dự án.
Tuy nhiên, mỗi một dự án lại có những điểm rất khác biệt mà sẽ không có 02 dự án nào giống nhau hoàn toàn. Các điểm khác biệt chính của các dự án theo tôi là mong muốn rất cụ thể của từng khách hàng, yếu tố về lựa chọn công nghệ và chi phí, quy mô dự án. Tôi chỉ xin nêu ra một số hướng tiếp cận qua những trải nghiệm của mình:
- Về khách hàng, điều quan trọng nhất là chúng ta phải deliver được những sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, chúng tôi thường dùng khái niệm business values để nói về điểm này. Giá trị mang lại cho khách hàng bao gồm những giá trị có thể đo đếm qua các con số cụ thể ($ tiết kiệm hoặc mang lại doanh thu cho khách hàng, deliver bao nhiêu chức năng, fix được bao nhiêu lỗi, chịu tải bao nhiêu concurrent users,…) và những giá trị thông qua sự cảm nhận (sự vui vẻ trong hợp tác, thương hiệu, tác phong làm việc chuyên nghiệp…). Người ta thường nói: khách hàng luôn luôn đúng, nhưng cá nhân tôi thì chưa đồng ý lắm, khách hàng vẫn sai nhưng họ luôn luôn có lý lẽ của họ và chúng ta cần tôn trọng họ. Đó là lý do khách hàng luôn cần tìm những đối tác phù hợp. Trong rất nhiều trường hợp chúng tôi chất vấn ngược lại với các yêu cầu của khách hàng, từ chối những yêu cầu không nên thực hiện, hoặc tư vấn cho họ để cùng hướng đến kết quả tốt nhất.
- Về công nghệ, không phải áp dụng công nghệ mới nhất và hay nhất vào dự án là hiệu quả. Đây cũng là góc nhìn thiên về kỹ thuật của nhiều bạn trẻ ngày nay. Ông bà ta từ xưa cũng đã nói: không dùng dao mổ trâu để giết gà, lựa chọn công nghệ cũng như vậy. Sẽ không nhất thiết phải áp dụng những công nghệ trending nhất cho các bài toán cần sự ổn định, không nhất thiết dùng các dịch vụ tốt nhất trên cloud cho các bài toán xử lý dữ liệu đơn giản, sẽ không cần thiết “đập đi xây lại” nếu như hệ thống hiện tại vẫn còn đáp ứng các chức năng chính. Tất cả là sự phù hợp, và nếu như đứng giữa các sự lựa chọn gần giống nhau, thì lúc này chúng ta nên mạnh dạng lựa chọn công nghệ mới hơn để đón đầu cho tương lai.
- Chi phí và quy mô dự án: mỗi một dự án đều được lên kế hoạch để ấn định một khoản ngân sách có giới hạn. Hiểu được điều này, hướng tiếp cận trong các dự án cũng sẽ rất khác nhau. Đầu tư phát triển một phần mềm, cũng như quản lý một start up, đều mong muốn giá trị mang lại (ROI) là lớn nhất. Một trong các hướng tiếp cận tôi học được từ chiến lược Digital Kaizen của Fsoft đang áp dụng đó là “Think Big, Start Smart and Scale very Fast”. Chúng tôi không ngần ngại bắt đầu new business rất nhỏ với khách hàng ở giai đoạn đầu, và cùng với khách hàng chứng tỏ được giá trị của các sản phẩm dịch vụ mình đang xây dựng sau đó sẽ huy động tối đa nguồn lực để đáp ứng việc release những sản phẩm chất lượng đã được kiểm chứng trong thời gian ngắn. Một trong các model tiếp cận khác là chia sẻ chi phí và lợi nhuận cùng với khách hàng. Trong giai đoạn COVID 19 đang diễn ra thì chúng tôi cũng đã áp dụng mô hình này, cùng chia sẻ gánh nặng chi phí dự án trong giai đoạn khó khăn để cùng nhau hướng đến việc hợp tác lâu dài sau này.
Theo anh, SD và data bổ trợ/liên quan mật thiết đến nhau như thế nào trong thời đại số hiện nay?
Trong thời đại số hiện nay, data được phát sinh từ rất nhiều nguồn khác nhau: từ mạng xã hội, từ hành vi của người dùng sản phẩm, từ các khảo sát, từ ý kiến khách hàng,… Những chủ doanh nghiệp nhạy bén trong thời đại hiện nay hiểu rằng họ phải biết đối tượng sử dụng sản phẩm dịch vụ của mình có những nhu cầu gì, có điều gì mình cần thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đó hay không. Với lượng thông tin lớn từ nhiều nguồn như thế, các doanh nghiệp cũng phải xây dựng hoặc sử dụng những dịch vụ từ các đối tác IT services để tổng hợp, phân tích, và trình bày dữ liệu ra những thông tin tổng quát và thiết thực nhất cho tổ chức doanh nghiệp của mình phát triển theo đúng hướng. Làm việc với data là một phần rất quan trọng, vẫn thuộc phạm vi của software development, bên cạnh phát triển các ứng dụng truyền thống như mobile, web và desktop.
Trong quá trình phát triển các dự án phần mềm trong lĩnh vực IoT, Big data, anh có gặp những khó khăn, thử thách lớn nào không?
IoT và Big Data tuy khái niệm có từ lâu rồi nhưng hiểu rõ bản chất và ứng dụng hiệu quả các công nghệ một cách phù hợp với ngữ cảnh để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng là điều không hề dễ dàng. Dữ liệu lớn bao gồm rất nhiều những thách thức như phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu. Trong FSoft hiện nay, tuy chúng tôi có cơ hội làm việc với rất nhiều khách hàng lớn nhiều năm, nhưng đứng trước những nhu cầu mới khai thác và sử dụng tối đa sức mạnh dữ liệu từ các nguồn thông tin khổng lồ của khách hàng luôn luôn là một thách thức, đòi hỏi sự không ngừng nỗ lực tìm hiểu sâu hơn về công nghệ và xây dựng đội ngũ chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Thách thức về việc xây dựng và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành IT ở Việt Nam cũng là một khó khăn. Tìm được những đồng nghiệp phù hợp với những kỹ năng tổng quát cũng không dễ, và làm việc trong lĩnh vực data lại càng khan hiếm hơn.
Nếu nhân lực IT có background là SD nhưng lại có đam mê với data và muốn chuyển hướng công việc, thì những cơ hội công việc nào sẽ phù hợp với các bạn? Còn những bạn trái ngành hoàn toàn thì tiếp cận với IoT, big data có phải là điều khả thi?
Data không phải là một lĩnh vực mới trong phần mềm. Tôi tin các kiến thức về hệ thống thông tin, database systems, cấu trúc dữ liệu và thuật toán, xác suất thống kê,… là các chủ đề mà tất cả các khóa đào tạo về CNTT ở các trường đại học đều có. Đó là nền tảng và điều kiện cần.
Công việc liên quan đến data, cũng giống như tất cả các công việc khác của phần mềm, đều đòi hỏi sự chuyên tâm học hỏi, kiên trì và sự đam mê. Nếu như bạn tha thiết mong muốn và rất hứng khởi khi nhìn thấy nét đẹp của dữ liệu, tuy ban đầu định dạng raw là những tập thông tin rời rạc (đầy “rác”), sau quá trình phân tích và xử lý, được thể hiện trực quan qua các công cụ chuyên nghiệp, mang lại những insights lớn cho doanh nghiệp thì có thể bạn sẽ phù hợp để chọn lựa theo các nhóm công việc liên quan đến data. Một số vị trí công việc phổ biến hiện này mà các bạn có thể tham khảo: data analyst (chuyên viên phân tích dữ liệu), data engineer (chuyên viên xử lý dữ liệu) và data scientist (nhà khoa học dữ liệu).
Theo anh, có phải SD trong lĩnh vực IoT, Big data là ngành mũi nhọn đầy hứa hẹn cho nhân lực IT?
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định trên. Mặc dù nhu cầu phát triển các ứng dụng truyền thống vẫn còn, nhưng giữa thời đại số hóa và thông tin hiện nay, nhu cầu phát triển các ứng dụng và dịch vụ nhằm thu thập, phân tích, xử lý và trình bày dữ liệu sẽ còn rất cao. Việt Nam lại có những lợi thế nhất định về ngành này vì nguồn nhân lực được đào tạo kiến thức nền tảng khá tốt (điều kiện cần), làn sóng start-up và xây dựng sản phẩm đã và đang hướng về Châu Á trong 10 năm tới, cộng với sự quan tâm nhiều hơn từ thị trường liên quan đến ngành này.
Nhiều người vẫn luôn nhìn thấy bề nổi của tảng băng trôi về ngành SD (lương cao, đãi ngộ tốt,…). Anh có thể chia sẻ đôi điều về những “góc khuất của ngành” khác với định kiến lâu nay về SD
Thực ra mỗi ngành nghề sẽ có những đặc thù riêng. Tôi xin nêu một vài trải nghiệm về việc này:
- Làm việc với khách hàng nước ngoài:
Phần lớn nghề IT chúng ta sẽ làm với các khách hàng đến từ nước ngoài do đó, ngoài kỹ năng chuyên môn, chúng ta còn cần phải học và đáp ứng khả năng ngoại ngữ, tìm hiểu và linh động hòa nhập chung với văn hóa của khách hàng (Nhật, Mĩ, Pháp, Anh, Ấn Độ, Singapore…), kỹ năng làm việc đội nhóm, quy trình phát triển phần mềm, một số đặc thù về việc làm việc khác múi giờ và hợp tác làm việc từ xa.
- Tự nâng cấp bản thân:
Công nghệ thay đổi hàng ngày hàng giờ, nếu chúng ta dừng chân tại chỗ thì trong ngành IT bạn đang đi thụt lùi. Và khi lùi đến một mức độ nào đó, bạn sẽ không có đủ khả năng và quyết tâm để “cạnh tranh” cùng với đội ngũ nhân lực trẻ khỏe của các thế hệ tiếp theo.
- Mất phương hướng, vì SD rất rộng:
Đây cũng là một thực tế rõ ràng vì SD rất rộng, trải đều từ database, back-end, web service, front-end, data (analyst, engineer, scientist), cloud, IoT, testing, business analyst, nhóm open sources, ERP,… Mỗi một nhóm lại có những “trường phái” lựa chọn công nghệ rất khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là kiến thức nền tảng về software, rồi mỗi người sẽ chọn lựa những nhóm công nghệ phù hợp nhất để đào sâu, nếu không rất dễ bị mất phương hướng trong “biển” công nghệ này.
- Niềm vui trong công việc:
Công việc liên quan phần mềm, sẽ đối diện với các dòng code khô khan, áp lực về bug và thời gian, xử lý lặp đi lặp lại cùng một thao tác, các con số vô hồn hoặc thông tin thu thập chưa đầy đủ… sẽ làm mất đi sự yêu thích và đam mê trong công việc. Đó là một thực trạng khá phổ biến hiện nay. Nếu bạn quá tập trung vào yếu tố kỹ thuật, không quan tâm đến giá trị mang lại cho khách hàng (business values mà tôi đề cập bên trên) thì dù công việc thế giới đặt tên mỹ miều “Data Scientist”, bạn sẽ vẫn gọi tên công việc của mình là “dọn rác số”.
- “Lướt sóng” – nhảy việc không định hướng:
Thị trường nguồn nhân lực (chất lượng cao) ở Việt Nam đang rất thiếu, do đó vô hình chung tạo nên những cơn sóng “ảo” và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu một thành viên nhảy việc liên tục không có định hướng với mục đích duy nhất là tăng thu nhập.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nhân lực IT hiện nay (đặc biệt là nhóm SD) chỉ quan tâm đến lương và đãi ngộ, không mấy ai bận tâm đến career path. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
Lương và đãi ngộ là hệ quả của tổng giá trị chúng ta mang lại cho tổ chức dựa trên những đóng góp thực tế, các trải nghiệm đã qua và khả năng xử lý các vấn đề sắp tới. Nghề IT cũng tương tự như các nghề khác, để đạt đến đỉnh cao của nghề và coi đó là nghiệp thì chúng ta cần hướng đến giá trị thật và sự tử tế trong nghề của mình hơn là dùng các thủ thuật và chiêu trò “lướt sóng” ôm lấy ích lợi của cá nhân. Tôi tin như thế!
Vậy lời khuyên của anh dành cho các bạn muốn xác định lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng là gì?
Hãy làm những điều bạn đam mê nhất, hãy làm những điều bạn đang làm tốt nhất, và hãy làm những điều tổ chức và khách hàng đang cần bạn nhất. Cá nhân mỗi người hãy liên tục release (tạo ra) các phiên bản mới của mình theo tuần, theo ngày và đừng ngại có những bản hot fixes (bản sửa lỗi “nóng bỏng”). Hãy cứ lên kế hoạch phát triển sự nghiệp cho bản thân, nhưng chưa đủ, môi trường cùng những mối tương quan tốt trong công việc sẽ mang đến nhiều cơ hội đầy bất ngờ.
——————
Rất cảm ơn anh Tân về những chia sẻ rất tận tâm dành cho nhân lực IT Việt Nam! Chúc anh sẽ tiếp tục dẫn dắt thành công nhiều đội nhóm tài năng để đóng góp thật nhiều giá trị cho nền công nghệ nước nhà.
Để tìm hiểu thêm những kiến thức hữu ích và thực tiễn cùng các chuyên gia hàng đầu từ FPT Software xoay quanh chủ đề Data Hub in Digital Transformation, đừng quên đăng ký tham dự Tech Live Stream tại đây nhé!
VietnamWorks InTECH
Exclusive